Tìm hiểu giải pháp giúp nền nhà không “đổ mồ hôi”
TS Trần Văn Huynh cho biết, từ hằng trăm năm trước, các công trình do người Pháp xây dựng ở Việt Nam đã tính toán đến các yếu tố này.
Thời tiết nồm, nền nhà có hiện tượng “đổ mồ hôi”. Bằng biện pháp kỹ thuật và cách chọn vật liệu xây dựng phù hợp, có thể khắc phục hiện tượng này.
100% gạch lát nền gây “đổ mồ hôi”
Chị Trần Thảo Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, mỗi khi thời tiết nồm ẩm là nền nhà chị lại ướt nhoét nước. Lau khô được một lúc lại ướt. Càng lau thì gạch càng ướt. Mọi sinh hoạt trong gia đình bị ảnh hưởng. Vừa rồi chị sửa nhà, lát lại nền, bỗng dưng không còn hiện tượng này nữa. Phải chăng cứ lát lại nền thì không còn nồm ẩm?
TS Trần Anh Tuấn, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, hiện tượng nồm ẩm xuất phát từ một nguyên lý đơn giản. Khi không khí có nhiều hơi nước và nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí thì sẽ sinh ra hiện tượng “đổ mồ hôi”. Sàn nhà không có khả năng hút ẩm, lại dẫn nhiệt kém sẽ làm cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh đi, tới điểm sương (nhiệt độ mà tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương), đọng lại thành giọt, lấm tấm trên sàn.
TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho hay, hiện thị trường vật liệu xây dựng ở Việt Nam gần như không có gạch lát chuyên dụng để hút ẩm. Gạch có khả năng hút ẩm là gạch gốm, người ta thường dùng để lát sân vì thẩm mỹ không cao. Còn gạch lát nền granit và ceamic độ hút ẩm rất thấp. Nhà nào cũng sử dụng gạch lát này, và 100% gạch này sẽ “đổ mồ hôi” khi độ ẩm vượt quá 95%. Việc nhà sau khi lát lại không còn “đổ mồ hôi” là vì lớp gạch cũ trở thành lớp hút ẩm thay cho lớp gạch mới.
Cũng theo TS Trần Văn Huynh, với nền nhà bị tình trạng “đổ mồ hôi”, chỉ còn cách xử lý lại nền nhà, mua gạch hút ẩm để lát lại. Chỉ cần đổ một lớp xỉ than dày khoảng 20cm sau đó đổ cát, san phẳng để lát nền là sẽ không bao giờ gặp phải tình trạng nền nhà “đổ mồ hôi”. Trên 90% công trình nhà hiện nay không quan tâm đến điều này, nên đến mùa xuân, độ ẩm cao, nền nhà lúc nào cũng ướt lép nhép.
Đổ một lớp xỉ than sau đó đổ cát, san phẳng sẽ tránh nền nhà “đổ mồ hôi”.
Xây dựng theo quy chuẩn
TS Trần Văn Huynh cho biết, từ hằng trăm năm trước, các công trình do người Pháp xây dựng ở Việt Nam đã tính toán đến các yếu tố này. Khi họ đổ một lớp xỉ than, sẽ không bao giờ bắt gặp tình trạng nền nhà “đổ mồ hôi” trong các biệt thự Pháp.
Theo TS Đỗ Văn Lợi, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, dù chỉ ở miền Bắc mới có hiện tượng trời nồm nhưng trong quy chuẩn xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra những quy chuẩn chi tiết cho công trình nhà. Tuy nhiên ít người để ý áp dụng. Theo đó, các nguyên tắc chống ngưng đọng nước trên bề mặt nền nhà, thiết bị là hạ thấp nhiệt độ không khí trong nhà, giảm độ ẩm không khí trong nhà, nâng nhiệt độ bề mặt kết cấu cao hơn nhiệt độ điểm sương.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc thiết kế sàn chống ngưng đọng nước (chống nồm) phải chọn các loại vật liệu phù hợp, đó là các vật liệu ốp lát mỏng như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composit, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt… Cần dùng vật liệu có quán tính nhiệt lớn để hạn chế đọng nước trên mặt sàn nhà. Các vật liệu lát phù hợp là gạch gốm nung có chiều dày nhỏ hơn hoặc bằng 10mm, gạch men nhỏ hơn bằng bằng 7mm, vật liệu tấm nhựa nhỏ hơn hoặc bằng 5mm, gỗ hoặc ván sàn nhỏ hơn hoặc bằng 15mm. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói (cần sấy khô vào những thời điểm có độ ẩm cao). Lớp vữa lót liên kết càng mỏng càng tốt.
Nếu điều kiện cho phép, nên dùng keo liên kết để bỏ lớp vữa lót liên kết. Tiếp theo là lớp cách nhiệt cơ bản, có quán tính nhiệt nhỏ. Cần chọn vật liệu vừa chịu được tải trọng vừa có nhiệt trở lớn. Lớp chống thấm để bảo vệ lớp cách nhiệt khỏi ẩm do mao dẫn từ nền đất lên.
“Với những nền nhà bị nồm ẩm chưa thể khắc phục thì nên đóng kín cửa không cho không khí ẩm vào nhà. Khi độ ẩm không khi trên 95% thì xác định là nền nhà phải ướt, khó tránh được. Với những công trình mới xây, nên chú ý rải lớp xỉ than này. Làm rất đơn giản nhưng ít người để ý”.
Leave a Reply